Kính thưa các thầy cô giáo!
Các bạn học sinh thân mến!
Nhân kỉ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2022) thư viện trường TH Dương Quang xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Lý Tự Trọng – Sống mãi tên Anh” của tác giả Văn Tùng do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2021.
Lý Tự Trọng - người anh hùng hi sinh ở tuổi 17, với câu nói nổi tiếng: "Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác". Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của anh mãi là tấm gương, bài học quý báu cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.
Lý Tự Trọng (1914 - 1931) tên thật là Lê Văn Trọng, còn được gọi là Huy, quê gốc ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trên nước bạn Thái Lan, nhưng Lê Văn Trọng được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường cách mạng. Gia đình anh là một trong những cơ sở cách mạng ở Nakhonphanom (Thái Lan), đây là nơi bồi dưỡng cán bộ và trường quốc ngữ của Hội Việt kiều.
Ngay từ nhỏ, Lê Văn Trọng đã tỏ ra tư chất thông minh, tiếp thu nhanh; anh còn đặc biệt say mê văn thơ yêu nước của cụ Phan Bội Châu. Vì lẽ đó, anh sớm hiểu được nỗi khổ cực của nhân dân ta dưới chế độ cai trị của thực dân phong kiến. Năm 1926, Lê Văn Trọng được tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập và được Bác Hồ đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”. Tại đây, anh được Bác Hồ đổi tên là Lý Tự Trọng (cùng họ với Lý Thụy – tên bí mật của đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ). Qua một thời gian ngắn, anh đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Ngoài ra anh còn học tốt nhiều ngoại ngữ tiếng Thái, Việt, Anh, Pháp, Nga.
Đến giữa năm 1929, các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời, Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn – Chợ Lớn với nhiệm vụ thành lập đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và làm liên lạc cho Xứ ủy Nam Kỳ với Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh là một trong 8 đoàn viên đầu tiên được kết nạp vào Đoàn. Đồng thời anh được giao nhiệm vụ đặc biệt: vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản trong nước.
Ngày 9/2/1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm khởi nghĩa Yên Bái được tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ người đang giương cờ và diễn thuyết. Anh đã bị bắt giam vào khám lớn Sài Gòn và bị tra tấn rất dã man nhưng không hề hé môi nói ra bất cứ thông tin nào.
Không thu được kết quả gì, chính quyền thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình vào ngày 20/11/1931 và tuyên bố Lý Tự Trọng bị kết án tử hình khi mới 17 tuổi. Đứng trước cái chết, Lý Tự trọng không hề run sợ, anh chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lòng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành nên “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt đi và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”.
Sự kiện này vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và thế giới yêu cầu đòi thả tự do cho Lý Tự trọng. Vì sợ xử tử hình công khai sẽ không thành công, thực dân Pháp lợi dụng lúc nửa đêm ngày 21/11/2931, chúng dựng máy chém ở ngay trong khám lớn Sài Gòn và xử tử anh trong im lặng. Lý Tự Trọng đã hiên ngang bước lên máy chém, hát vang bài Quốc tế ca.
Tinh thần cách mạng bất khuất của Lý Tự Trọng đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ, đồng thời câu nói của anh đã động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Hình ảnh và chí khí của người thanh niên Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng hết sức thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên thanh niên. Tên của anh được đặt cho nhiều trường học, con đường trong cả nước như một sự tri ân người chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, sống mãi với nhân dân, với đất nước. Lý Tự Trọng – Sống mãi tên Anh.
Cuốn sách hiện đang có tại thư viện nhà trường, kính mong thầy cô và các em đón đọc.