Búp sen xanh
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh
Như một niềm tin, như dũng khí
Như lòng nhân nghĩa, đức hi sinh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, sinh ra và lớn lên trong một vùng quê phong cảnh hùng vĩ, có truyền thống yêu nước lâu đời, được hun đúc qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử. Hồ Chí Minh - Người là niềm tin, niềm hy vọng, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam, Người là tấm gương ngời sáng cho bao thế hệ phấn đấu rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất đạo đức, Người vẫn sống mãi trong triệu triệu trái tim người dân Việt Nam hôm nay và mai sau...
Kính thưa các thầy cô giáo!
Các bạn học sinh thân mến!
Trên tay tôi là tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng.
Cuốn sách Búp sen xanh với trang bìa màu xanh đậm, nổi bật trên đó là hình ảnh búp sen được cách điệu rất tinh tế. Cuốn sách được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2011 với khổ 12,5 x 12,5cm rất dễ cho bạn đọc sử dụng. Thai nghén cho tác phẩm từ năm 1948 nhưng đến năm 1980 tác giả mới hoàn thành tác phẩm. Chừng ấy năm cũng cho ta thấy chữ tâm của nhà văn Sơn Tùng đối với Bác Hồ kính yêu. Trong những tác phẩm về Bác Hồ có lẽ Búp sen xanh để lại trong độc giả nhiều cảm xúc nhất. Qua những ngôn ngữ, hình ảnh mà tác giả Sơn Tùng nói đến tuổi thơ của Bác, gia đình của Bác hiện lên như một bức tranh. Ở nơi đó, Bác có người thân, đó là những con người rất đỗi bình dị thân thuộc. Đó là những con người đã nuôi nấng tạo nên nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, được tiếp xúc với những người dân lao động ngay từ thuở bé chính vì thế Người đã nuôi chí lớn đi tìm đường cứu nước. Chúng ta hãy quay trở lại những năm 1980 tại làng Chùa, bà Hoàng Thị Loan đã sinh hạ người con thứ ba. Khi ấy chưa ai biết rằng ngày này sẽ trở thành một mốc son trong lịch sử không chỉ riêng cho gia đình ông Hoàng Xuân Đường, cho dân tộc Việt Nam mà cho cả toàn thế giới. Bởi đó là ngày cậu bé Nguyễn Sinh Côn ra đời. Ông ngoại đặt tên cho cậu là Côn, tự là Tất Thành. Tại sao ông lại đặt tên cho cậu bé như vậy, Tất Thành có ý nghĩa như thế nào tất cả sẽ được hé mở ở trang 13 của cuốn sách. Lớn lên trong một cái nôi của gia đình nhà nho yêu nước, cũng như được người cha nghiêm khắc dạy dỗ, chỉ bảo, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã dần dần hình thành cho mình ý chí vươn lên trong học tập để sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc.
Bên cạnh những giây phút thơ ngây, hồn nhiên thì tác giả lại mang đến cho người đọc những giây phút lắng đọng, những giọt nước mắt, những suy nghĩ sâu xa. Đó là hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở trong kinh thành Huế. Lúc bấy giờ, cha đang bận chấm thi ở ngoài bắc, chị Thanh và anh Khiêm thì ở quê, một mình Sinh Cung lúc bấy giờ vừa chừng 10 tuổi, một tay bế em vừa mới chào đời, ngồi bên cạnh thi thể của mẹ hiền mà nước mắt lưng tròng. Cậu phát lên những tiếng gọi: Mẹ! Mẹ ơi!... Cậu bé Nguyễn Sinh Cung phải chăm sóc mẹ, nhìn thấy cảnh mẹ trước lúc ra đi, phải tự bế em đi xin sữa, rồi phải ròng rã đi bộ cùng cha mấy tháng trời từ Nghệ An đến kinh thành Huế. Bao nhiêu khó khăn vất vả đó chưa là gì cả, cậu đều vượt qua nó một cách dũng cảm và đầy kiên quyết. Tất cả những hình ảnh ấy đã in đậm trong tâm trí người đọc. Trải qua hơn một phần tư thế kỉ, cuốn sách được tái bản nhiều lần nhưng nó vẫn giữ được nguyên giá trị bởi ẩn sâu bên trong cuốn sách là giá trị cao cả, là tâm hồn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuốn sách hiện đang có tại thư viện nhà trường, kính mong thầy cô và các em học sinh đón đọc. Xin chân thành cảm ơn!